Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Đây là bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.

Bệnh dễ lây lan…

Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch. Thời tiết nắng nóng khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn, trong đó có virus gây đau mắt đỏ. Bệnh dễ mắc, dễ lây lan và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.

Trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ do nước mắt này có chứa virus. Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn...) đồng thời qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi). Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan cao do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng. Công sở, lớp học, nơi công cộng là những môi trường khiến bệnh lây lan rộng rãi.

Đau mắt đỏ Khi có hiện tượng đau mắt đỏ, cần đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng.

Dấu hiệu đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ người bệnh sẽ có cảm giác ban đầu là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt cộm, đỏ, có dử (ghèn). Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.

Thông thường ban đầu người bệnh chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt... việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

Dùng thuốc thế nào?

Đa số trường hợp đau mắt đỏ sẽ tự hết sau 7 đến 14 ngày nhưng thông thường bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực sau này.

Về điều trị, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng...

Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm giảm cảm giác cộm rát, khó chịu. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù nề như alphachoay... Nếu viêm kết mạc do virus thường dùng kháng sinh tra mắt để phòng bội nhiễm chứ kháng sinh không diệt được virus. Trong trường hợp viêm kết mạc có giả mạc phải bóc giả mạc trước khi tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn.

Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.

Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại (tái khám).

Để tránh các tai biến do dùng thuốc, khi bị đau mắt đỏ cấp, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt mà không được tự ý mua thuốc về tra, nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Nếu dùng không đúng cách các loại thuốc này có thể gây nhiều tai biến như suy giảm thị lực, sẹo giác mạc, làm cho thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí quá lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù loà...

Không dùng thuốc của người khác để tra, nhỏ cho mình; không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu… vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Làm sao phòng ngừa bệnh?

Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi bị bệnh để tránh lây lan sang người khác. Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.

Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng không dùng chung thuốc; tránh dụi tay vào mắt; hạn chế đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch; không đi bơi trong giai đoạn có dịch...

BS. Lê Xuân Bách

Chế độ ăn kiêng khi viêm cầu thận cấp

Xin bác sĩ giải thích về bệnh và hướng dẫn về chế độ ăn vì chỉ cần cho chút muối là lại phù tăng. Vậy phải ăn nhạt đến bao giờ?

Đào Thị Mai (daomai@gmail.com)

Viêm cầu thận cấp (VCTC) do nhiều nguyên nhân nhưng thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn không được điều trị đúng, do quá mẫn với một số thuốc, bệnh tự miễn lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lí thận IgA… Giai đoạn đầu của viêm cầu thận cấp người bệnh có thể thấy đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát thì xuất hiện phù, lúc đầu phù nhẹ ở mặt, sau đó phù toàn thân, phù trắng, mềm ấn lõm. Điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn nhẹ, ăn nhạt). Bệnh có thể khỏi nhanh trong vài tuần, cá biệt có thể có biến chứng phù phổi cấp và tăng huyết áp. Điều đáng lưu ý là phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc chế độ ăn uống, ăn mặn thì phù tăng, ăn nhạt thì phù giảm. Vì vậy nên bỏ hẳn muối mà có thể cho 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Nếu anh nhà có tăng huyết áp thì càng phải hạn chế natri chặt chẽ. Nếu tiểu ít, vô niệu thì bỏ hẳn rau quả, đề phòng tăng kali máu, ngược lại không thiểu niệu, không vô niệu thì cho rau quả tự do, uống nước bằng lượng tiểu ra. Tóm lại, trường hợp của chồng bạn phải điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc người bệnh thận cần ăn nhạt thì mới giảm được phù. Tuy nhiên, việc ăn nhạt sẽ làm người bệnh cảm thấy khó ăn và không ngon miệng nên rất cần sự động viên của người chăm sóc. Sau khi đã được điều trị khỏi thì anh nhà có thể ăn uống bình thường không phải kiêng muối nữa và theo định kỳ nên tái khám để kiểm tra các chức năng thận.

BS. Trần Kim Anh

Vì sao ruột thừa quặt ngược sau gan?

Xin hỏi vì sao như vậy?

Nguyễn Văn Tân (nguyentan@gmail.com)

Ở người bình thường ruột thừa nằm ở hố chậu phải cho nên khi ruột thừa bị viêm thường đau hố chậu bên phải, đau có thể xuất hiện từ vùng trên rốn sau đó lan dần xuống hố chậu phải, đau âm ỉ. Thường không đau dữ dội, có thể kèm theo hội chứng nhiễm khuẩn như: sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, trừ vài trường hợp khó chẩn đoán do ruột thừa lạc chỗ, ruột thừa quặt ngược sau gan dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như cơn đau quặn thận… Điều cần lưu ý viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, nếu nghi ngờ tuyệt đối không được dùng thuốc giảm đau sẽ làm lu mờ triệu chứng, làm khó khăn trong chẩn đoán. Trong khi đó, ruột thừa diễn biến rất nhanh trong vòng 24-48 giờ có thể đã bị biến chứng hoại tử và vỡ. Trường hợp của bố bạn vì ruột thừa quặt ngược sau gan nên việc chẩn đoán nhầm với đau quặn thận có thể xảy ra. Hơn nữa, hai bệnh này xử trí cũng khác nhau. Cơn đau quặn thận có thể chỉ cần điều trị nội khoa nhưng viêm ruột thừa thì là một cấp cứu ngoại khoa càng mổ sớm càng tốt. Mặc dù ruột thừa rất nhỏ và cắt bỏ ruột thừa viêm không phải là một phẫu thuật lớn mà chỉ cần mổ nội soi nhưng nếu phát hiện muộn có thể gây biến chứng viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoại tử, vỡ sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và quá trình phẫu thuật buộc phải mổ ổ bụng nên hồi phục sẽ phức tạp hơn nhiều.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Bệnh tim bẩm sinh và Eisenmenger

(Nguyễn Sỹ Hiển - Long An)

Biểu hiện của hội chứng Eisenmenger chính là biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh gốc, các bệnh tim có luồng thông lớn giữa tim phải và trái.

Hội chứng Eisenmenger được đặt ra khi bệnh nhân có triệu chứng của tăng áp lực động mạch phổi (khó thở nhanh nông, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, ngất…), triệu chứng suy tim (khó thở khi gắng sức hoặc nằm, kịch phát về đêm, phù, bụng báng, ăn uống kém…), tình trạng đa hồng cầu, dễ chảy máu, các biến chứng sỏi thận, sỏi mật, võng mạch, đau xương khớp… tình trạng thiếu oxy lâu ngày sẽ tạo ra triệu chứng ngón tai dùi trống đặc trưng (gặp trong các bệnh tim bẩm sinh tím).

Khi khám bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ phát hiện nhiều dấu hiệu tổn thương tim mạch và triệu chứng hô hấp, sẽ xác định chính xác tổn thương ở tim bằng các thăm dò huyết động, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ (MRI)…

Để điều trị triệt để phải dùng phẫu thuật nhằm sửa chữa các tổn thương tạo luồng thông ở tim nếu không có chống chỉ định. Phẫu thuật sửa chữa được thực hiện càng sớm càng tốt khi điều kiện bệnh nhân cho phép. Trong trường hợp không thể chỉnh sửa các tổn thương thì có thể thực hiện việc ghép tim phổi (nhờ tiến bộ trong ức chế thải trừ mảnh ghép mà tỉ lệ thành công ngày càng cao). Bên cạnh đó là phải điều trị triệu chứng để giữ lại thăng bằng cho người bệnh.

Khi vào viện, bệnh nhân được ưu tiên điều trị ở chuyên khoa tim mạch và được theo dõi nghiêm ngặt. Sau khi xuất viện phải theo dõi tái khám trong 2 tuần đầu và sau đó mỗi 3 tháng cần đánh giá lại ở chuyên gia tim mạch.

Những bệnh nhân nữ có nguy cơ có hội chứng Eisenmenger thì không được có thai, thai kỳ làm cho bệnh nặng hơn và nguy hiểm nhất là lúc chuyển dạ, thai nhi cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Những người bị hội chứng Eisenmenger khi đi máy bay sẽ có thể có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu (đặc biệt là ở những người có khuynh hướng đông máu), thiếu oxy khi ở áp suất cao (có thể gây cơn thiếu máu não thoáng qua).

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Nước rửa tay khô không an toàn như bạn tưởng

Nó có thể làm sạch các virut gây cảm lạnh, viêm họng và cúm, nhưng hoàn toàn không có tác dụng với các loại norovirus như E. coli, C. Diff. Do vậy, các nhà nghiên cứu cảnh báo việc sử dụng quá mức nước rửa tay khô có thể làm giảm khả năng phòng vệ của da và góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh...

Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu dự một bữa tiệc thay vì dùng nước rửa tay khô, hãy vào phòng tắm rửa tay với xà phòng, vừa hiệu quả hơn lại ít độc hơn.

FDA đang xem xét các thành phần trong nước rửa tay khô và cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy loại nước này an toàn hơn so với xà phòng và nước trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Còn Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, chỉ dùng nước rửa tay khô trong trường hợp không có nước và xà phòng.

Thu Minh

((Theo Reuter, 3/2018))

Đừng bỏ lỡ những cách đơn giản làm giảm đau răng nhanh chóng

Dùng thuốc giảm đau

Đối với bất kỳ loại đau răng nào, việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm như các thuốc kháng viêm không steroid có thể khiến bạn cảm nhận rõ ràng cơn đau đang biến mất. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là giải pháp tình thế và bạn không nên trì hoãn việc đi khám bệnh bởi thuốc giảm đau có thể làm lu mờ triệu chứng nhưng lại khiến nguyên nhân gây bệnh nặng hơn mà chính bạn không nhận ra. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn đã được ghi nhận như tổn thương gan, đau dạ dày hoặc các vấn đề về da…

Sử dụng gel benzocain

Benzocaine là thuốc gây tê có cấu trúc ester. Thuốc hấp thụ chậm, có thể dùng trực tiếp lên viết thương, vết loét. Với dạng gel có thể sử dụng để làm tê liệt cơn đau trong miệng, đặc biệt là phần nướu giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Đây là loại thuốc khá an toàn khi bạn sử dụng đúng liều lượng ghi trong thông tin thuốc.

Nước muối ấm

Muối có tác dụng giúp ngăn ngừa sự hủy hoại các tế bào chống viêm trong cơ thể. Do vậy, bạn có thể cho một muỗng cà phê muối vào một cốc nước sôi và chờ đến khi nước ấm không thể gây bỏng. Ngậm một ngụm nước muối ấm trong 30 giây. Bạn có thể làm điều này nhiều lần trong ngày để làm sạch miệng và loại bỏ mảng bám trên nướu, là nguyên nhân gây sưng, đau răng.

Dùng đá lạnh

Bạn có thể dùng đá lạnh rồi đựng vào trong túi hoặc gói vào trong khăn sau đó áp vào vùng răng đau 10 phút một lần. Bạn cũng có thể sử dụng đá khô để chườm mát vì lạnh có tác dụng làm giảm sưng và tê cứng cơn đau.

Dầu đinh hương

Tiến sĩ Hadaegh, nha khoa tại Mỹ khuyến cáo trước khi thực hiện biện pháp này cần làm sạch răng và lợi bằng cách đánh răng hoặc rửa bằng nước ấm hoặc nước súc miệng. Tiếp theo đó, thấm 2-3 giọt dầu đinh hương vào một quả bông rồi cắn với răng bị tổn thương 15 phút. Đinh hương có chứa thuốc gây tê tự nhiên, hoặc thuốc giảm đau, được gọi là eugenol sẽ giúp bạn giảm đau cho đến khi nha sĩ tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí hợp lý.

Lê Thu Lương

(Theo menshealth.com)

Nữ bệnh nhân rong kinh kéo dài, đi khám bác sĩ phát hiện khối u 2kg ở ổ bụng

Các bác sĩ khoa Phụ (Bệnh viện đa khoa Đức Giang- Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn loại bỏ thành công khối u nặng hơn 2kg cho bệnh nhân Ngô Thị M (49 tuổi) tại Long Biên - Hà Nội với tình trạng thiếu máu nặng.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân M cho biết, khoảng một năm trở lại đây mỗi khi đến kỳ kinh thường bị rong kinh kéo dài kèm ra máu nhiều, trong người thường xuyên thấy mệt mỏi, da xanh xao nên ngày 26/3, bệnh nhân đã quyết định đi khám.

Ê kíp các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy khối u cho nữ bệnh nhân M.

Tại phòng khám, bác sĩ khám và cho chỉ định siêu âm, chụp CT- Scanner và các xét nghiệm cần thiết. Kết quả siêu âm và chụp CT-Scanner cho thấy trong ổ bụng của bệnh nhân có khối u to với kích thước trên 20cm, nghi ngờ u xơ tử cung, hình ảnh khối u to vượt quá màn hình siêu âm kèm tình trạng thiếu máu nặng.

Ngay sau đó bệnh nhân được nhập viện. Tại đây các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và đưa ra kết luận “bệnh nhân có khối u to trong ổ bụng nghĩ nhiều đến u xơ tử cung có biến chứng gây rong kinh, băng huyết thiếu máu nặng và được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để loại bỏ khối u”. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu máu nặng do rong kinh kéo dài, trước khi cắt bỏ khối u bệnh nhân M đã được các y bác sĩ truyền 3 đơn vị khối hồng cầu, 1 đơn vị khối huyết tương để nâng cao thể trạng, đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật.

Sau khi được điều trị nâng cao thể trạng, sáng ngày 28/3 các bác sĩ khoa Phụ đã tiến hành phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn loại bỏ khối u to cho bệnh nhân M. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ toàn bộ khối u to nặng hơn 2kg của bệnh nhân M.

BS Phạm Thị Hải Yến – phụ trách khoa Phụ cho biết, với khối u to như vậy sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, do vậy để giảm sự lo lắng cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Phụ kết hợp với khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã tiến hành giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau cho bệnh nhân những ngày đầu sau mổ.

Khối u có trọng lượng khoảng 2kg được lấy ra từ ổ bụng của bệnh nhân M.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và dự kiến sau phẫu thuật một tuần sẽ được ra viện.

Qua trường hợp này, BS Yến cũng khuyến cáo: Các chị em phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt các chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung và có phương án điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Thái Bình